Công ty luật quốc tế fdi
Fdi INTERNATIONAL LAW FIRM

79 Bưng Ông Thoàn, phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

Hotline
0888153878

Facebook

f/hoang.quang.73

Áp dụng tình tiết “nhằm chiếm đoạt tài sản” trong tội cưỡng đoạt tài sản


Tóm tắt: Định tội danh và định khung hình phạt là hai hoạt động đóng vai trò quan trọng như nhau trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự và phòng, chống tội phạm. Việc định tội hay định khung hình phạt phải phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và tuân thủ đúng quy định của pháp luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội cưỡng đoạt tài sản, Bộ luật hình sự đã thể hiện rõ bằng ngôn ngữ sử dụng để cố ý phân biệt rõ dấu hiệu mục đích “nhằm chiếm đoạt tài sản” với dấu hiệu “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ…” trong Điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015, nhưng do có sự sai lầm trong nhận thức, nên ở một số vụ án, cơ quan chức năng đã vận dụng sai các tình tiết này, dẫn đến nguy cơ thực tế về sự bất lợi cho người phạm tội. Bài viết này chúng tôi dẫn chứng qua một số vụ án thực tiễn (tên các văn bản liên quan và tên của bị can, bị cáo đã được mã hoá để bảo vệ quyền lợi của người phạm tội) nhằm thể hiện rõ thực trạng của vấn đề trên và nhấn mạnh tính cần thiết của việc tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong hoạt động áp dụng pháp luật.

Từ khoá: Cần hiểu đúng; áp dụng thống nhất; tình tiết nhằm chiếm đoạt tài sản

Abstrac:  Determining the crime and determining the penalty are two activities that play an equally important role in prosecuting criminal liability and preventing and combating crime. Determining the crime or determining the penalty must be appropriate to the nature and level of danger of the crime and comply with the provisions of criminal law. However, for the crime of extortion, the Penal Code has clearly expressed in the language used to intentionally distinguish the sign of the purpose "to appropriate property" from the sign "to appropriate property with a value from..." in Article 170 of the Penal Code 2015, but due to errors in perception, in some cases, the authorities have misapplied these details, leading to a real risk of disadvantage for the offender. In this article, we cite a number of practical cases (the names of relevant documents and the names of the accused have been encoded to protect the rights of the offenders) to clearly demonstrate the reality of the above problem and emphasize the necessity of strictly complying with the provisions of the law in law enforcement activities.

Keywords: Need to understand correctly; apply consistently; circumstances aimed at appropriating property


1. Thực tiễn áp dụng một số vụ án về tội cưỡng đoạt tài sản

Vụ án 1: Trên cơ sở điều tra, xác định: vào ngày 2/01/2018, anh Nguyễn Văn T, có vay của Nguyễn Công Nh số tiền 300.000.000 đồng, thời hạn vay 60 ngày. Hai bên viết giấy vay tiền dưới hình thức đặt cọc mua bán căn nhà do anh Tân đứng tên. Đến hạn trả nợ, Nguyễn Công Nh nhiều lần tìm gặp để đòi nợ nhưng anh T tránh mặt và khất lần không trả nợ. Nh sau đó đã nhờ Nguyễn Văn D tìm cách đe doạ anh T để buộc anh T trả nợ, D đồng ý. Sau nhiều lần trao đổi qua điện thoại bàn cách thức đe doạ. Khoảng 17h27 ngày 20/7/2018, D rủ Trương Văn Đ đến nhà anh T quát tháo và chửi anh T rồi bắt anh T phải ghi giấy nhận nợ D là 400 triệu đồng. Bởi vì, theo lời của D, đây là số tiền gốc và lãi mà Nh đã mượn của D để cho anh T vay. Anh T vì quá lo sợ nên đã đồng ý viết giấy vay D với số tiền 400.000.000 đồng với lý do đặt cọc mua bán nhà, hẹn đến ngày 05/8/2018 thanh toán. Sau khi anh T viết giấy vay nợ, D cầm và yêu cầu anh T trong vòng 15 ngày phải trả đủ số tiền trên và cùng cả nhóm đi về. Sau đó, D tiếp tục gọi điện, nhắn tin đe doạ anh T để buộc anh T trả tiền. Tiếp tục những ngày sau đó, nhóm của D có những hành vi như khoá cửa nhà, gặp con trai của anh T để đe doạ tinh thần anh T và mua mắm tôm ném vào nhà anh T. Cho đến khoảng 17h ngày 8/8/2018 Nguyễn Văn D cùng Bùi Anh Tr dùng xe máy đuổi đánh anh T. Sau khi chạy thoát, anh T gọi điện báo cảnh sát 113. Sau đó, công an phường Mễ Tr đã mời những người có liên quan để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản của anh T.

- Theo Cáo trạng số 124/QĐ-VKSNTL ngày 3/5/2019, truy tố hành vi nêu trên của Nguyễn Công Nh và đồng phạm về tội Cưỡng đoạt tài sản tại điểm a, khoản 3 Điều 170 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là BLHS năm 2015) với tình tiết định khung tăng nặng “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”;

- Tại Bản án số 310/2019/HSST của Toà án nhân dân quận NTL ngày 29/11/2019, Toà án áp dụng khoản 3 Điều 170, ra quyết định xét xử bị cáo Nguyễn Công Nh và Nguyễn Văn D với mức án là 7 năm tù, các đồng phạm khác có mức án là 3 năm tù hoặc 6 năm tù. Bản án này sau đó đã bị các bị cáo viết đơn kháng cáo.

Trong phiên toà xét xử phúc thẩm, Toà án ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tuy nhiên sau 3 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm như lúc đầu.

Vụ án thứ hai:

Trên cơ sở điều tra, xác định như sau: chị Đinh Thị Lệ Th đăng lên mạng facebook tìm việc làm thêm tại nhà. Ngày 9/3/2022 một người tên Ph (không rõ lai lịch) sử dụng số điện thoại lạ gọi cho chị Th để trao đổi và đề nghị Th làm thủ tục xuất trình, gửi uỷ nhiệm chi của Công ty TNHH dịch vụ xây dựng Cơ Điện cho khách hàng của công ty với giá một lần gửi uỷ nhiệm chi là 600.000 đồng, Th đồng ý. Theo nội dung trao đổi trước đó, ngày 10/3/2022 Th nhận được Thư dịch vụ chuyển phát nhanh (không ghi người gửi) gồm hai uỷ nhiệm chi. Khoảng 14h ngày 13/3/2022, Ph tự xưng là nhân viên của công ty Cơ điện gọi vào sdt của Võ Trong Ngh nói muốn vay số tiền khoảng 1 tỷ 100 triệu đồng để công ty Cơ điện làm thủ tục đáo hạn. Ngh hỏi ngân hàng nào, thì Ph trả lời là ngân hàng ACB, Ngh đồng ý và thông báo lãi suất là 3%/1 lần giao dịch, Ph đồng ý. Ph nói sẽ có nhân viên Công ty liên hệ và đi cùng Ngh ra ngân hàng để thực hiện giao dịch. Ph hẹn ngày 15/3/2022 sẽ thực hiện giao dịch đồng thời cho Ngh xem trước các thủ tục chuyển tiền và uỷ nhiệm chi. Sau đó, Ph liên lạc với chị Th thực hiện thủ tục uỷ nhiệm chi với Ngh. Ph yêu cầu chị Th viết giấy uỷ nhiệm chi sau đó gửi lên nhóm zalo chung của 3 người để thống nhất. Sáng ngày 15/3/2022 Th và Ngh đến ngân hàng ACB. Ngh hỏi Th thủ tục để làm uỷ nhiệm chi, thì Th trả lời đã đưa cho ngân hàng rồi. Ngh đến gp nhân viên ngân hàng tại quầy số 1 hỏi thì nhân viên trả lời đã nhận và kiểm tra uỷ nhiệm chi, xác nhận đúng thông tin và thực hiện giao dịch được. Do vậy, Ngh đưa thẻ tài khoản ngân hàng và căn cước công dân của Ngh cho nhân viên tại quầy để thực hiện việc chuyển số tiền 1.178.785.850 đồng từ tài khoản của Ngh sang tài khoản của công ty Cơ điện. Sau khi chuyển khoản thành công sang tài khoản công ty Cơ điện, nhân viên ngân hàng kiểm tra, nhận thấy mẫu dấu trên giấy uỷ nhiệm chi mà Th đưa là mẫu mới, đề nghị chị Th liên hệ công ty để cập nhật con dấu. Nhưng khi Th và Ngh liên lạc thì Ph đã tắt máy. Ngh đề nghị nhân viên ngân hàng phong toả tài khoản của công ty Cơ điện, nhưng nhân viên ngân hàng nói số tiền này đã bị chuyển vào một số tài khoản khác. Lúc này Ngh yêu cầu Th ra quán cà phê để giải quyết thì Th đồng ý. Sau đó, Ngh gọi thêm những người bạn khác đưa chị Th đến nhà trọ của Ng Quốc V để giải quyết. Th ngồi trên ghế, Võ Th Nh và Mai Văn L hỏi Th hướng giải quyết số tiền, chị Th nói không biết và không có trách nhiệm gì với số tiền này. Lúc này L lấy con dao màu đen rút ra để trước mặt chị Th đe doạ chém chị Th để Th khai ra thông tin của Ph. Sau đó Ngh cầm hai tờ giấy cam kết trả nợ đã đánh sẵn đi lên phòng có chị Th đang ngồi, Ng Quốc V vào bếp lấy 01 con dao và 1 thớt gỗ nhằm đe doạ chặt đứt tay chị Th để Th sợ và ký vào giấy cam kết trả nợ. V dùng hai tay nắm lấy tay phải của Th và đe doạ “mày không ký tao chặt tay mày” làm cho Th sợ hãi và khóc. Đặng Văn A đứng phía sau đè vào lưng Th để buộc Th ký tên và lăn tay màu đỏ. Sau đó, nhóm của Ngh tiếp tục khống chế chị Th để đòi nợ. Đến ngày 16/3/2022 chị Th ra Phường 25, quận Bình Thạnh trình báo sự việc.

Theo Cáo trạng số 159/CT-VKS quận P, thành phố H ngày 8/03/2024 kết luận: hành vi của bị can Võ Trong Ngh và đồng phạm phạm tội Cưỡng đoạt tài sản thuộc trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000 đồng trở lên được quy định tại điểm a, Khoản 4 Điều 170 BLHS năm 2015.

2. Vấn đề cần trao đổi về việc áp dụng quy định pháp luật trong các vụ án

- Về dấu hiệu mục đích “nhằm chiếm đoạt tài sản” của tội cưỡng đoạt tài sản.

Tại khoản 1 Điều 170 quy định như sau: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Căn cứ vào quy định này, tội cưỡng đoạt tài sản có các dấu hiệu định tội bao gồm:

+ Dấu hiệu chủ thể: Là người đủ 14 tuổi trở lên, năng lực trách nhiệm hình sự

+ Dấu hiệu hành vi khách quan: Hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc hành vi (thủ đoạn) khác uy hiếp tinh thần người quản lý tài sản

+ Dấu hiệu lỗi: Chủ thể thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp

+ Dấu hiệu mục đích: Nhằm chiếm đoạt tài sản

Trong đó, mục đích thực hiện hành vi đe doạ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác của tội cưỡng đoạt tài sản (và các tội phạm ở các Điều 168, 169 BLHS năm 2015) là nhằm chiếm đoạt tài sản.

- Về dấu hiệu định khung tăng nặng “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ…” từ khoản 2 đến khoản 4 của Điều 170 BLHS quy định:

+ Điểm d khoản 2 Điều 170 BLHS quy định:Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

+ Điểm a khoản 3 Điều 170 BLHS quy định: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Điểm a khoản 4 Điều 170 BLHS quy định:“Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên”.

Có thể thấy, tại khoản 1 Điều luật thể hiện rõ: “chiếm đoạt chỉ được quy định là mục đích nên việc xác định thời điểm tội phạm hoàn thành của tội cưỡng đoạt tài sản chỉ phụ thuộc vào việc chủ thể đã thực hiện hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc hành vi uy hiếp tinh thần được mô tả trong điều luật mà không phụ thuộc vào việc chủ thể đã thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản hay chưa[1].

Như vậy, căn cứ vào quy định của khoản 1 Điều này, các dấu hiệu trên là dấu hiệu định tội để làm cơ sở truy cứu bị cáo về tội cưỡng đoạt tài sản. Do đó, trong Bản cáo trạng, của VKSND và Bản án Toà án Quận NTL và Bản cáo trạng của VKSND Quận P, TP. H  căn cứ vào số tiền mà các bị cáo hướng tới chiếm đoạt để làm căn cứ định khung tăng nặng là chưa chính xác với tinh thần của Điều luật đối với dấu hiệu “nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản”, gây bất lợi cho người bị buộc tội, không đảm bảo tính nhân đạo của Nhà nước trong chính sách hình sự hiện nay. Bởi vì:

Cụm từ “nhằm chiếm đoạt tài sản” của điều luật không khống chế định lượng giá trị tài sản một cách cụ thể mà người phạm tội “nhằm” chiếm đoạt là bao nhiêu. Do đó, dù các bị cáo có “nhằm” chiếm đoạt bao nhiêu đi nữa (một triệu hay từ 500 triệu trở lên) nếu người phạm tội mới chỉ “nhằm” chiếm đoạt mà chưa “chiếm đoạt” được của bị hại một giá trị vật chất cụ thể nào thì các bị cáo chỉ thoả mãn dấu hiệu cấu thành quy định tại khoản 1 của Điều 170 BLHS.

Đối với các khung hình phạt tăng nặng được quy định từ khoản 2 đến khoản 4 của Điều luật, nhà làm luật đã quy định rõ: “Chiếm đoạt tài sản có trị giá từ…” và quy định rõ giá trị, vật chất chiếm đoạt một cách cụ thể, không còn sử dụng cụm từ “nhằm chiếm đoạt”. Do đó, chỉ khi người phạm tội “chiếm đoạt” của bị hại được giá trị vật chất cụ thể bao nhiêu thì mới bị truy tố tương ứng với khung hình phạt mà điều luật quy định (các khung hình phạt này đã định lượng giá trị vật chất chiếm đoạt một cách cụ thể).

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà: “Để phân biệt giữa mục đích chiếm đoạt và hành vi chiếm đoạt với chiếm đoạt được cần có sự thống nhất về nhận thức khái niệm chiếm đoạt. Hành vi chiếm đoạt, xét về mặt khách quan là hành vi làm cho chủ tài sản mất hẳn khả năng thực hiện quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình và tạo cho người chiếm đoạt có thể thực hiện được việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản đó. Như vậy, chiếm đoạt xét về mặt thực tế là quá trình vừa làm cho chủ tài sản mất tài sản vừa tạo cho người chiếm đoạt có tài sản đó[2]

Không chỉ với người nghiên cứu dưới góc độ lý luận, các nhà nghiên cứu hoạt động trong thực tiễn cũng có nhận định tương tự như tác giả Nguyễn Ngọc Hoà. Theo đó, TS. Mai Bộ đưa ra các phân tích như sau: Ngoài quy định tại Điều 169, thì tại Điều 168 và Điều 170 BLHS cũng có kết cấu như vậy. Tại khoản 1 của các Điều 168, 169 và 170 đều nêu (hoặc mô tả) hành vi phạm tội trước cụm từ “nhằm chiếm đoạt tài sản… (mà không khống chế giá trị tài sản mà người phạm tội nhằm chiếm đoạt là bao nhiêu đồng)”; Còn tại các khoản 2, 3 và 4 của các điều luật này đều quy định “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng”, “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”, “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên” là các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt. Như vậy, ngôn ngữ của điều luật đã thể hiện bản chất pháp lý của tội phạm (với tư cách là tình tiết định tội hay tình tiết tăng nặng định khung hình phạt[3]).

Trong vụ án tại Quận P, Thành phố H, đánh giá tất cả các khía cạnh, chứng cứ, tình tiết, hành vi thực tế xảy ra thì các bị cáo mới ép buộc chị Th (bị hại) ký giấy nợ số tiền 1.178.785.850 đồng, cho thấy các bị cáo mới “nhằm chiếm đoạt” số tiền nói trên, nên chưa làm cho chị Th mất khả năng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt số tiền này và ngược lại các bị cáo cũng chưa chiếm đoạt (Chiếm hữu, sử dụng hoặc định đoạt số tiền nói trên). Do đó, hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án này chỉ thoả mãn các dấu hiệu định tội trong cấu thành cơ bản quy định tại khoản 1 Điều 170 BLHS năm 2015. Điều này cũng hiểu tương tự như vụ án tại Quận NTL, Hà Nội, các bị cáo chỉ mới đe đoạ để bắt ép bị hại là anh T ký vào giấy vay nợ số tiền là 400.000.000 đồng, chứ trên thực tế chưa chiếm đoạt, cầm nắm, chiếm giữ hoặc có quyền định đoạt được số tiền 400.000.000 đồng.

Từ các căn cứ trên cho thấy kết quả áp dụng pháp luật của các Cơ quan tiến hành tố tụng trong hai vụ án nói trên đã sử dụng tình tiết “chiếm đoạt tài sản có giá trị …” để áp dụng định khung hình phạt tăng nặng đối với các bị cáo theo khoản 3, 4 Điều 170 BLHS trong khi các bị cáo này mới chỉ thực hiện hành vi uy hiếp tinh thần nạn nhân với mong muốn chiếm đoạt được số tiền đó là truy tố trái với tinh thần của khoản 2, 3, 4 Điều 170 BLHS năm 2015, có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật, gây bất lợi cho các bị cáo và đi ngược lại nguyên tắc suy đoán có lợi cho người phạm tội trong Luật hình sự.

3. Đề xuất kiến nghị

Đối với các vụ án xâm phạm sở hữu nói chung và tội cưỡng đoạt tài sản nói riêng, tình tiết nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc chiếm đoạt tài sản có giá trị từ…về lịch sử, kỹ thuật lập pháp này đã tồn tại trong hầu hết các văn bản pháp luật hình sự, nhất là các BLHS được ban hành gần đây. Về ngôn ngữ pháp lý, thì quy định tại khoản 1 (tình tiết định tội) của các Điều luật 168, 169 và 170 BLHS năm 2015 đều có cụm từ “nhằm chiếm đoạt tài sản…” mà không khống chế giá trị tài sản mà người phạm tội nhằm chiếm đoạt là bao nhiêu. Tại các khoản tăng nặng định khung hình phạt đều có cụm từ “Chiếm đoạt tài sản có giá trị…” mà không phải là cụm từ “Nhằm chiếm đoạt tài sản có giá trị…[4] Do đó, chỉ được áp dụng tình tiết định khung tăng nặng khi trên thực tế người phạm tội đã cầm nắm, chiếm giữ hoặc định đoạt được tài sản lấy được từ nạn nhân.

Như vậy, ngôn từ Điều luật sử dụng trong khung hình phạt cơ bản ở khoản 1 hoặc khung hình phạt tăng nặng là thể hiện rõ bản chất pháp lý của tội phạm. Trên cơ sở đó, chúng tôi đề xuất ban hành văn bản pháp luật để thống nhất về mặt nhận thức trong việc áp dụng pháp luật như sau: các cơ quan tư pháp chỉ được áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ….” trong các khoản 2, 3, 4 của Điều 170 BLHS năm 2015 và các tội phạm tương tự trong các Điều luật từ Điều 168 đến 175 thuộc Chương các tội xâm phạm sở hữu, khi trên thực tế người phạm tội đã cầm nắm, chiếm giữ hoặc định đoạt được tài sản lấy được từ nạn nhân. Việc vận dụng đúng pháp luật trong áp dụng trách nhiệm hình sự trong các trường hợp này là nhằm đảm bảo nguyên tắc công bằng cho người phạm tội, đồng thời để đạt được mục đích của việc truy cứu trách nhiệm hình sự đó là giáo dục, cải tạo để người phạm tội nhận thức ra sai lầm. Mục đích đó chỉ đạt được khi hình phạt được áp dụng là tương xứng, phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Tài liệu tham khảo

1. Cáo trạng số 124/QĐ-VKSNTL của Viện kiểm sát nhân dân quận NTL, HN ngày 3/5/2019;

2. Bản án số 310/2019/HSST của Toà án nhân dân quận NTL, HN ngày 29/11/2019;

3. Cáo trạng số 159/CT-VKS của Viện kiểm sát nhân dân quận P, thành phố H ngày 8/03/2024;

4. Nguyễn Ngọc Hoà - chủ biên (2018), Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017; Nxb Tư pháp;

5. Mai Bộ (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân) (14/10/2021), Bàn về tình tiết “chiếm đoạt tài sản có giá trị…” trong các tội xâm phạm sở hữu có cấu thành tội phạm hình thức; Tạp chí điện tử Toà án nhân dân; nguồn https://tapchitoaan.vn/public/ban-ve-tinh-tiet-%E2%80%9Cchiem-doat-tai-san-co-gia-tri%E2%80%A6%E2%80%9D-trong-cac-toi-xam-pham-so-huu-co-cau-thanh-toi-pham-hinh-thuc truy cập ngày 6/7/2024

  • Nguyễn Ngọc Hoà - chủ biên (2018), Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017; Nxb Tư pháp; Tr278, 279.
  • Nguyễn Ngọc Hoà - chủ biên, Sđd Tr.263
  1. TS. Mai Bộ (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân) (14/10/2021), Bàn về tình tiết “chiếm đoạt tài sản có giá trị…” trong các tội xâm phạm sở hữu có cấu thành tội phạm hình thức; Tạp chí điện tử Toà án nhân dân; nguồn https://tapchitoaan.vn/public/ban-ve-tinh-tiet-%E2%80%9Cchiem-doat-tai-san-co-gia-tri%E2%80%A6%E2%80%9D-trong-cac-toi-xam-pham-so-huu-co-cau-thanh-toi-pham-hinh-thuc truy cập ngày 6/7/2024
  • TS. Mai Bộ (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân) (14/10/2021), Bàn về tình tiết “chiếm đoạt tài sản có giá trị…” trong các tội xâm phạm sở hữu có cấu thành tội phạm hình thức; Tạp chí điện tử Toà án nhân dân; nguồn https://tapchitoaan.vn/public/ban-ve-tinh-tiet-%E2%80%9Cchiem-doat-tai-san-co-gia-tri%E2%80%A6%E2%80%9D-trong-cac-toi-xam-pham-so-huu-co-cau-thanh-toi-pham-hinh-thuc truy cập ngày 6/7/2024

    Bài viết này chỉ có tính chất tham khảo, trao đổi quan điểm cá nhân, chúng tôi không cho phéo sử dụng bài viết này vào mục đích bất hợp pháp hoặc sử dụng bài viết này để trích dẫn mang tích chất chỉ trích bôi nhọ hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân.

TS. Nguyễn Thị Bình. Trưởng bộ môn Luật hình sự - Đại học Luật Huế
ThS. Luật sư Hoàng Văn Quang. Công ty luật Quốc tế FDI - Đoàn luật sư Tp. HCM
 

Thong ke

?t cu h?i mi?n ph

Đặt câu hỏi miễn phí

0888153878